Chúng tôi cung cấp và đấu nối tủ điện điều khiển nhạc nước đủ kích thước, đáp ứng mọi thiết kế và quy mô công trình. Thông thường tủ điện nhạc nước được lắp đặt trọn gói cùng các hệ thống thiết bị khác, tuy nhiên tùy theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi có thể cung cấp riêng lẻ hệ thống tủ điện, đi kèm là phần mềm nhạc nước kết nối cùng tủ.
Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị đối tác, nhà thầu thi công có năng lực tự thi công lắp đặt hệ thống nhạc nước. Chúng tôi sẽ cung cấp công nghệ, tư vấn kỹ thuật và hướng dẫn, hỗ trợ trong suốt quá trình lắp đặt thiết bị cũng như lập trình nhạc nước.
Chức năng của tủ điện điều khiển nhạc nước
Tủ điện nhạc nước được đấu nối các thiết bị điện có chức năng điều khiển bên trong và kết nối với phần mềm nhạc nước thông qua sợi dây truyền thông. Mọi hoạt động của hệ thống nhạc nước được lập trình và vận hành trên phần mềm độc quyền do TDV phát triển. Khi các kịch bản phun được lập trình sẵn và được kích hoạt trên phần mềm, tủ điện nhận tín hiệu điều khiển từ phần mềm sẽ điều khiển các thiết bị hoạt động theo đúng kịch bản.
Cấu tạo bên ngoài của tủ điện điều khiển nhạc nước
Tủ điện điều khiển nhạc nước được thiết kế theo tiêu chuẩn IEC76, và tiêu chuẩn TCVN về kỹ thuật điện. Được tính toán phù hợp với khí hậu thời tiết nhiệt đới ẩm thấp.
Bên ngoài vỏ tủ được sơn tĩnh điện bảo vệ chống rỉ sét. Tủ được thiết kế theo kiểu tự động, dễ sử dụng và vận hành ổn định. Thông thường đối với tủ điện đài phun nước thường được đặt ngoài trời, chúng tôi sẽ sử dụng loại tủ 2 lớp cánh. Tuy nhiên đối với hệ thống nhạc nước, thường tủ điện sẽ được đặt trong nhà điều hành nên chỉ cần sử dụng loại 1 lớp cánh.
Ngoài ra bề mặt ngoài của tủ nhạc nước cũng không lắp các thiết bị hiển thị thao tác. Bởi tất cả hoạt động sẽ được điều khiển trên máy tính.
Cấu tạo bên trong tủ điện điều khiển nhạc nước
Toàn bộ thiết bị có chức năng điều khiển, lập trình được đấu nối trong hệ thống tủ điện. Tùy vào thiết kế của mỗi hệ thống nhạc nước mà các thiết bị điều khiển bên trong tủ điện sẽ khác nhau. Dưới đây là một số thiết bị thường được lắp đặt bên trong tủ.
Bộ PLC
Bộ PLC S7-1200 được lập trình theo yêu cầu công nghệ và hoạt động theo các nguyên lý lôgic, sự tổ hợp lôgic các rơle đầu ra sẽ cho ta các kiểu phun nước khác nhau theo chu trình lên xuống, ra lệnh chạy, dừng. Bộ PLC S7-1200 có chức năng điều khiển biến tần, các rơle trung gian đóng mở các tiếp điểm trên mạch điều khiển, qua đó tạo ra các kiểu phun khác nhau.
Màn hình hiển thị HMI
Màn hình hiển thị HMI là thiết bị hiển thị trạng thái và các chế độ điều khiển. Nó được kết nối với bộ điều khiển trung tâm PLC – S7- 1200. Trên màn hình sẽ hiển thị các trạng thái, chế độ chạy khác nhau để người vận hành thao tác và kiểm tra hệ thống
Aptomat
Aptomat là một loại khí cụ điện đóng cắt và bảo vệ chính trong mạch điện hạ áp. Nó được sử dụng để đóng cắt từ xa và tự động cắt mạch điện khi thiết bị điện hoặc đường dây phía sau nó bị ngắn mạch hoặc quá tải.
Contactor
Contactor là một loại thiết bị điện dùng để điều khiển từ xa việc đóng cắt cho các bơm và động cơ cánh chim.
Rơ le nhiệt
Rơ le nhiệt là thiết bị bảo vệ cho các máy bơm khi có sự cố quá tải, thường dùng kèm với contactor. Rơle nhiệt không có nhiệm vụ bảo vệ ngắn mạch vì có quán tính nhiệt lớn phải có thời gian để phát nóng.
Khi xảy ra sự cố như contactor của một bơm nào đó không hút thì Rơle nhiệt nhảy. Khi đó cách khắc phục đó là cho dừng hệ thống và ấn nút reset lại Rơle nhiệt 1 đến 2 lần. Nếu thấy rơle nhiệt đó vẫn nhảy thì cho dừng hệ thống, đồng thời cho người kiểm tra buồng bơm và làm sạch rác trong hố bơm và quay lại cánh bơm.
Rơle trung gian điều khiển
Có chức năng định thời gian hoạt động của sơ đồ rơle bảo vệ, để chống tác động nhầm lẫn, đảm bảo yêu cầu chọn lọc cho các lại sơ đồ bảo vệ.
MX 100
MX 100 là thiết bị bảo vệ pha khi các pha gặp một số sự cố như thấp áp (điện áp < 380v), quá áp (điện áp > 400V), mất pha, lệch pha… Thiết bị sẽ nhận biết và cắt mạch điều khiển của tủ điện.
MX 100 sẽ báo lỗi khi mất 1 đèn báo ở thiết bị, lúc này điện áp cấp vào tủ có thể cao áp, thấp áp, mất pha, hay lệch pha. Khi bị lỗi nó sẽ hiển thị đèn báo màu xanh ở màn hình HMI.
Cách khắc phục: Dùng đồng hồ đo điện kiểm tra lại nguồn điện lưới cấp vào tủ điện xem có những lỗi như trên không. Không được vận hành tủ khi nguồn điện lưới cấp vào tủ chưa đạt yêu cầu. Tắt Aptomat tổng sau đó chờ trong khoảng 2 đến 5 phút rồi bật lại Aptomat tổng lên, nếu 2 đèn báo ở thiết bị sáng thì cho hệ thống hoạt động bình thường .
Nếu vẫn bị mất 1 đèn báo ở thiết bị: Tắt Aptomat tổng và đảo pha nguồn cấp vào sau đó bật lại Aptomat tổng đến khi đèn báo đỏ và xanh ở thiết bị sáng hết thì cho hệ thống hoạt động bình thường.
ERG – ZCT
ERG – ZCT là thiết bị chống dò dòng. Khi có sự cố đứt dây, hở dây thì thiết bị sẽ ngắt toàn bộ hệ thống điều khiển tủ điện.
Biến tần
Biến tần là thiết bị dùng để thay đổi tần số, cụ thể là nó dùng để điều chỉnh công suất của bơm dẫn đến thay đổi độ cao của tia nước đáp ứng từng hiệu ứng cụ thể của từng bản nhạc. Ngoài ra nó cũng có tác dụng bảo vệ động cơ trong trường hợp động cơ quá tải, quá dòng…
Biến tần sẽ báo lỗi khi trên màn hình hiển thị của biến tần sẽ hiện lên chữ OL1, OC1,OL2,OC2…, lúc này động cơ đang bị quá dòng hoặc quá áp, hoặc nhiệt độ trong phòng nóng quá .
Cách khắc phục: Dùng đồng hồ đo điện kiểm tra lại nguồn điện lưới cấp vào tủ điện điện áp giữa các pha có ổn định và bằng nhau không, dùng kìm kẹp A đo dòng của động cơ xem có tăng dòng không. Đồng thời dùng cho người kiểm tra buồng bơm và làm sạch rác trong bể và quay lại cánh bơm.
Hướng dẫn vận hành tủ điện điều khiển nhạc nước
Thao tác của người vận hành trước khi cho tủ điện hoạt động
Người được giao nhiệm vụ vận hành tủ điện điều khiển nhạc nước phải được đào tạo, và có kiến thức cơ bản về thiết bị tự động hoá công nghiệp, kiến thức cơ bản về hệ thống điều khiển, hiểu rõ về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của tủ FCB.
Trước khi cho tủ hoạt động thì người vận hành cần kiểm tra tất cả các thông số của hệ thống điện nguồn cấp vào như điện áp, cân bằng pha, sau đó kiểm tra hệ thống bảo vệ thiết bị, hệ thống an toàn nối đất (hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ từ 3 đến 6 tháng 1 lần). Nếu thấy vấn đề gì khác thường cần ghi rõ vào sổ theo dõi vận hành, và báo cáo ngay cho cán bộ cấp trên để đưa ra biện pháp xử lý. Nếu tổ vận hành không tự xử lý được thì hãy liên lạc với nhà cung cấp để được tư vấn và cùng phối hợp giải quyết.
Các bước vận hành tủ điện điều khiển nhạc nước
Sau khi kiểm tra đầy đủ các bước kiểm tra các thống số đầu vào, người vận hành lần lượt đóng các thiết bị đóng cắt Aptomat (MCCB) vào hệ thống lần lượt từ MCCB tổng tới các MCCB nhánh của từng bơm, khi hệ cấp nguồn ổn định thì ta bắt đầu cho tủ FCB hoạt động.
Ta bật aptomat tổng sau đó bật aptomat MCB cho mạch điều khiển, rồi đến các aptomat cho máy bơm chìm, aptomat cho đèn.
Bật máy tính lên để khởi động. Kiểm tra kết nối của máy tính với tủ điều khiển qua mạng Lan đã ổn định chưa. Sau khi khởi động xong thì mới bật các thiết bị âm thanh.